Ngôn ngữ:

Văn hóa

Mặc dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng Cô-oét lại có nền văn hóa rất giàu có và sâu rộng, chứa đựng nhiều di sản đặc biệt và bao gồm các xu hướng có cội nguồn gắn kết với các truyền thống văn hóa cổ xưa.

Cô-oét luôn gìn giữ mối liên kết chặt chẽ với quá khứ và Chính phủ Cô-oét rất hãnh diện vì đã bảo tồn được các di tích lịch sử cũng như gìn giữ các tác phẩm mỹ thuật và văn hóa hiện đại.


Văn hóa dân gian

 
Ngày nay, xã hội Cô-oét có nền văn hóa được xây dựng trên cơ sở văn hóa dân gian cổ xưa. Nền văn hóa dân gian này bao gồm các kiểu tranh ghép với nhiều chủ đề khác nhau, kể lại các câu chuyện về đất và biển, các câu đố và tục ngữ. Vào năm 1956, Cô-oét thành lập Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Dân gian nhằm thu thập, lưu trữ và phân loại các tác phẩm văn hóa dân gian để đảm bảo rằng nền văn hóa mang đậm nét lịch sử này sẽ mãi mãi được gìn giữ và chiếm một vị trí nổi bật trong các nền văn hóa truyền thống ngày nay.

 

Hội đồng Quốc gia về Văn hóa, Nghệ thuật và Văn học

 

Vào năm 1956, Cô-oét thành lập Hội đồng Quốc gia về Văn hóa, Nghệ thuật và Văn học. Đây là tổ chức đầu tiên của Cô-oét chuyên trách về hoạch định văn hóa, có nhiệm vụ xúc tiến, phát triển và làm phong phú các tác phẩm nghệ thuật và trí tuệ. Hội đồng này cung cấp một môi trường thích hợp cho việc thúc đẩy phát triển nghệ thuật tại Cô-oét và chịu trách nhiệm phổ biến các thông tin về mỹ thuật cũng như gìn giữ và nghiên cứu các di sản của đất nước.    

 

Kiến trúc


Nền văn hóa Cô-oét bao gồm nhiều hình thức nghệ thuật và diễn đạt khác nhau. Một nét nổi bật tượng trưng cho các xu hướng sáng tạo của Cô-oét chính là các kiểu kiến trúc đa dạng, có thể  thấy ở khắp nơi tại Cô-oét, từ thành thị với các tòa lâu đài hướng biển và các tòa nhà văn phòng của chính phủ cho đến những nơi nhỏ hơn là các vùng ngoại ô. Nét đặc trưng của kiểu kiến trúc này là chúng đều có chất lượng như nhau và mô tả hầu hết mọi mặt trong đời sống văn hóa của Cô-oét: Đó là sự pha trộn giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, khiêm tốn và khoa trương. Ngày nay, ở Cô-oét còn lại rất các tòa nhà có kiến trúc cổ xưa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các ngôi nhà cổ như Bayt Al-Bader, là những ví dụ điển hình về kiểu nhà người dân Cô-oét đã từng sống và làm việc cách đây 150 năm.            

Ngôi nhà truyền thống của Cô-oét gồm có sân chính giữa và các phòng được xây dựng bao quanh. Những ngôi nhà này thường có cấu trúc đơn giản nhưng lại được trang trí dày đặc với nhiều đồ trang trí, tranh và tranh ghép mảnh. Ngày nay vẫn còn có một số người Cô-oét xây nhà theo kiểu kiến trúc này. Tuy nhiên, xu hướng kiến trúc Cô-oét ngày nay dường như theo đuổi các kiểu thiết kế phức tạp và độc đáo hơn. Các ngôi nhà có kích cỡ khác nhau tùy theo số thành viên trong gia đình và mỗi gia đình xây nhà theo sở thích riêng. Vì vậy, thật khó mà xác định được một kiểu mẫu đặc trưng cho các ngôi nhà cũng như các công trình kiến trúc không dành cho việc cư trú.

Cô-oét có một số tòa nhà hiện đại, gây ấn tượng nhất thế giới như tòa nhà của Bộ Tư pháp và Quốc hội Cô-oét. Một kiệt tác kiến trúc khác của Cô-oét là Thánh đường Hồi giáo Grand Mosque. Là một trong những Thánh đường Hồi giáo lớn nhất và hiện đại nhất, Grand Mosque được xây dựng theo phong cách Hồi giáo truyền thống kết hợp với lối kiến trúc của Cô-oét và vùng Vịnh và được trang trí bên trong và bên ngoài với các thiết kế và thư pháp Hồi giáo.     

Kuwait Towers, biểu tượng quốc gia của Cô-oét, có thể được ngắm nhìn từ hầu hết mọi góc độ ở Thành phố Cô-oét và các khu vực quanh thành phố thủ đô này. Kuwait Towers bao gồm 3 tòa tháp. Tòa tháp lớn nhất gồm hai quả cầu nằm xếp chồng lên nhau. Quả cầu phía trên, nhỏ hơn, là một quán ăn tự phục vụ (cafeteria). Từ nơi này, cứ mỗi nửa giờ, khách tham quan có thể nhìn thấy toàn cảnh Thành phố Cô-oét và Vịnh Ả Rập. Quả cầu thứ hai phía dưới lớn hơn gồm bán cầu trên là 3 nhà hàng tự xoay và bán cầu dưới là bồn chứa 1 triệu gallon nước. Tòa tháp thứ hai  là một quả cầu lớn và cũng là một bồn chứa 1 triệu gallon nước. Tòa tháp thứ ba nhọn và dài, là tòa tháp điện lực, giúp rọi sáng 2 tòa tháp kia và có 96 đèn pha nằm dưới sân bao quanh tòa tháp. Kuwait Towers được thế giới công nhận là một trong những cảnh quan nổi trội ở Cô-oét.       

       

Viện bảo tàng

 

Cô-oét  có 50 địa điểm lưu giữ và bảo quản cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật. Trong số này, nổi bật nhất là Bảo tàng Quốc gia Cô-oét, mở cửa vào tháng 12 năm 1957.  Mục tiêu hoạt động chính của viện bảo tàng này là trưng bày các mặt khác nhau trong đời sống văn hóa và di sản cũng như lịch sử và văn minh của Cô-oét. Bảo tàng này là nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ của Cô-oét và trưng bày nhiều bộ sưu tập khác nhau về nghệ thuật đương đại. Ngoài giảng đường thư viện, bảo tàng còn có cả một cung thiên văn rất tinh vi, bao gồm nhiều dụng cụ thiên văn cổ và hiện đại, bản đồ và tài liệu sách viết tay. Ngoài ra, Cô-oét còn có các bảo tàng khác nhỏ hơn, ví dụ như bảo tàng Tareq Rajab được dòng họ Rajab xây dựng và điều hành. Bảo tàng này mở cửa cho công chúng tham quan kể từ năm 1980 và lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo, từ thơ văn và các tác phẩm làm từ kính cho đến các nhạc cụ và đồ trang sức.

Dar Al-Athar Al-Islamiyyah (Bảo tàng Mỹ thuật Hồi giáo) là bộ sưu tập gồm hơn 20,000 tác phẩm mỹ thuật Hồi giáo có từ thế kỷ 12. Bảo tàng còn có một thư viện đặc biệt gồm vài ngàn đầu sách với các ngôn ngữ khác nhau viết về lịch sử và di sản Hồi giáo. Bộ sưu tập sách này thuộc về Sheikh Nasser Sabah Al-Ahmed Al-Sabah và vợ ông, Sheikha Hussa Sabah Al-Salem Al-Sabah, cũng là người quản lý bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng này còn tổ chức các cuộc triển lãm, diễn thuyết, các khóa đào tạo hướng dẫn du lịch và hướng dẫn làm đồ trang sức và đồ gốm.    

Một trong những loại hình nghệ thuật nổi bật nhất có thể được tìm thấy ở Cô-oét là nghệ thuật Bedouin và bạn có thể tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này tại Bảo tàng Al-Sadu House. Bảo tàng này được thành lập để lưu giữ các tác phẩm thủ công truyền thống sadu, nghĩa là sản xuất và trang trí vải được làm từ lông cừu.

 

Âm nhạc và khiêu vũ

 

Một ví dụ khác nữa phản ánh sự đa dạng về di sản của Cô-oét là âm nhạc truyền thống. Là một trung tâm thương mại và pearling center, Cô-oét thu hút nhiều người nước ngoài và họ đã để lại những giai điệu của mình cho người dân bản xứ, đồng thời trong khi các nhà buôn Cô-oét lại mang những tiết tấu của  Đông Phi và Ấn Độ về nước mình. Kết quả là Cô-oét có được nền âm nhạc phong phú với nhiều âm điệu khác nhau và tràn đầy sức sống. 

Múa truyền thống là một loại hình văn hóa nghệ thuật quan trọng khác của Cô-oét. Vũ điệu Aradah thể hiện kỹ năng sử dụng kiếm, được trình diễn kèm theo nhịp trống và ngâm thơ. Samri, Khamari và tanboura là các vũ điệu được trình diễn tại các cuộc họp gia đình, xã hội, và đám cưới.

 

Nghệ thuật tạo hình

 

Nghệ thuật tạo hình của Cô-oét đã đạt đến cấp độ được thế giới công nhận và Cô-oét đã thành lập Hội Nghệ thuật Tạo hình cho riêng mình. Một số nghệ nhân Cô-oét đã tổ chức triển lãm các tác phẩm của họ cả trong nước lẫn quốc tế. Loại hình nghệ thuật này có nguồn gốc từ năm 1959 khi nghệ thuật tạo hình lần đầu tiên được giới thiệu vào các trường học Cô-oét. Ngày nay, loại hình nghệ thuật này đã được chính phủ Cô-oét tham gia gìn giữ và được hỗ trợ của Bộ Thông tin, Xã hội và Lao động cũng như Hội đồng Quốc gia về Văn hóa, Nghệ thuật và Văn học. Nhà nước Cô-oét cũng tham gia tài trợ cho loại hình nghệ thuật này thông qua việc dành khoản chi 10,000 Dinar Cô-oét hàng năm để chọn lựa và mua các bức tranh của các nghệ nhân Cô-oét.
 

Nhà hát

 

Nhà hát kịch là một loại hình văn hóa nghệ thuật nổi tiếng khác ở Cô-oét. Các nhóm kịch Cô-oét đã đạt được rất nhiều giải thưởng trên thế giới và Cô-oét còn có một số đoàn kịch trên khắp nước, ví dụ như Gulf Theater, Popular Theater và Kuwaiti Theater. Vào năm 1973, Bộ Thông tin Cô-oét đã thành lập Viện Nghệ thuật Sân khấu để đào tạo các nghệ sĩ tương lai trong lĩnh vực nghệ thuật và đạo đức sân khấu cũng như nâng cao nhận thức và đánh giá về loại hình nghệ thuật này.

Cô-oét có nhiều phong tục tập quán và truyền thống khác nhau, giúp phát triển một nền văn hóa sâu rộng và đa dạng. Chính phủ Cô-oét luôn nỗ lực hết sức mình để gìn giữ các truyền thống này và kết quả của sự gin giữ này là một nền văn hóa Cô-oét có bản sắc rõ ràng và riêng biệt.