Ngôn ngữ:

THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ CÔ-OÉT

Cô-oét nằm ở phía tây bắc Vịnh Ả Rập, giữa vĩ độ 280 và 300 bắc và kinh độ 460 và 480 đông,  có diện tích vào khoảng 17,818 km2 với địa địa hình hầu hết là bằng phẳng. Không có sông, hồ ở Cô-oét. Phía tây và bắc Cô-oét tiếp giáp với Iraq, phía đông với Vịnh Ả Rập và phía nam với Ả Rập Xê út. Cô-oét có 9 hòn đảo. Các đảo lớn là Failaka, Bubiyan và Warba mặc dù không có cư dân sinh sống trên các đảo này. Người đứng đầu nhà nước là Quốc Vương, người  có quyền bổ nhiệm Thủ tướng để giám sát các hoạt động chính trị của đất nước.

Cô-oét được chia thành sáu tỉnh (Govenerate):

• Thủ đô (Thành phố Cô-oét): Là nơi đặt Văn phòng Chính phủ và Nội các.

• Al Jahra: Là tỉnh lớn nhất và được xem là vùng nông nghiệp của Cô-oét

• Hawalli: Tỉnh có mật độ dân số cao với nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có rất nhiều cộng đồng Ả Rập cư ngụ tại tỉnh này.

• Al Farwaniyah: Một trong những tỉnh nhỏ nhất của Cô-oét. Sân bay Quốc tế Cô-oét là một trong những địa danh nổi tiếng của tỉnh này.

• Mubarak Al-Kabeer: Là tỉnh được đặt tên theo Quốc Vương thứ 7 của Cô-oét, Sheikh Mubarak Al Sabah. Ngài còn được nhiều người biết đến dưới tên Mubarak Al Kabeer. Đây là tỉnh được thành lập sau cùng của Cô-oét.

• Al-Ahmadi: Được đặt tên theo Quốc Vương Ahmed Al Jabber, là tỉnh có rất nhiều mỏ dầu.


Ngôn ngữ

 

Ngôn ngữ chính thức là Tiếng Ả Rập mặc dù tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong giới kinh doanh. Tất cả các thư từ liên lạc giữa các bộ ngành của Chính phủ Cô-oét đều phải được viết bằng tiếng Ả Rập.

 

Khí hậu


Nói chung, Cô-oét có khí hậu nóng và khô. Nhiệt độ vào mùa hè ở Cô-oét là 50°C và có thể lên đến 55°C vào tháng 7 và tháng  8. Vào mùa hè, độ ẩm thường rất thấp do gió tây bắc nóng và khô thổi vào. Từ tháng 7 đến tháng 10, gió mùa đông nam thường nóng và ẩm. Khi đó, độ ẩm có thể lên đến 90% và rất khó chịu. Những người đeo kính cần phải chú ý khi từ phòng lạnh ra ngoài trời vi kính của họ sẽ bị đóng một lớp sương mù. Điều có thể làm cho bạn ngạc nhiên là buổi sáng mùa đông ở Cô-oét rất lạnh, có khi xuống đến 0°C, nhưng lại  rất hiếm khi đóng băng. Bảo cát thường xuất hiện vào mùa hè. Quanh năm hầu như không có mưa, nếu có cũng chỉ là những trận mưa ngắn. Lượng mưa nhiều nhất cũng chỉ khoảng 6 inch (khoảng 15 cm) một năm. Mùa hè kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 và rất khô.

 

Giờ làm việc

 

Múi giờ của Cô-oét là GMT+3. Cô-oét sử dụng lịch Hejira, vì vậy cuối tuần là thứ Sáu và thứ Bảy. Cơ quan nhà  nước làm việc từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, từ chủ Nhật đến thứ  Năm, ngoại trừ tháng Ramadan, thường xê dịch 11-12 ngày hàng năm tùy theo chu kỳ mặt trăng. Ngân hàng hoạt động từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, từ chủ Nhật đến thứ Năm. Một số ngân hàng hoạt động luôn cả vào một buổi tối trong tuần (thường là vào ngày trả lương); tuy nhiên việc mở cửa này cũng linh hoạt và tùy nghi. Các cửa hiệu có giờ mở cửa khác nhau, thông thường từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 4.30 chiều đến 9 giờ tối. Các cửa hiệu bán thức ăn lớn mở cửa suốt 24 giờ.

 

Các ngày lễ


Các ngày lễ cố định trong năm bao gồm: Tết dương lịch (1/1), Ngày Quốc khánh Cô-oét (25/2),
Ngày Giải phóng Cô-oét (26/2). Các ngày nghỉ lễ thay đổi trong năm tùy vào thời điểm thấy mặt trăng gồm: Eid al-Fitr (Lễ kết thúc tháng Ramadan), Eid al-Adha, Tết đầu năm Hồi lịch, Lễ Sinh nhật và Thăng thiên (Leilat al-Meiraj) của Thiên sứ Mohammad.

Tiền tệ


Đơn vị tiền tệ của Cô-oét là Kuwait Dinar (KD), được chia thành 1.000 fils (KD1=1.000 fils). Các mệnh giá tiền giấy gồm ¼, ½, 1, 5, 10 và 20 Dinar. Mệnh giá tiền kim loại gồm 5, 10, 20, 50 và 100 fils.

Bạn có thể dễ dàng đổi tiền hoặc séc du lịch tại các điểm thu đổi ngoại tệ; tuy nhiên nên mang theo trong người 20KD trong trường hợp gặp bất trắc tại sân bay. Hầu hết các cửa hiệu đều nhận thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng phổ biến (tính phí 4%, ngoại trừ các cửa hiệu lớn thì không tính phí). Tuy nhiên, Co-op chỉ chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng Visa. Bạn có thể dùng thẻ tín dụng để rút tiền tại một số máy ATM.


Tôn giáo


Hiến pháp Cô-oét qui định Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Cô-oét. Đa số người dân Cô-oét theo đạo Hồi. Những người theo các tôn giáo khác được tự do thờ phượng miễn là không có thành kiến đối với Hồi giáo. Các gia đình theo Ki-tô giáo được tự do thờ phượng tại các nhà thờ ở Cô-oét. Chính phủ Cô-oét chấp thuận tự do tôn giáo này nhằm tăng cường sự đoàn kết quốc gia.
 

 

Lịch sử

 

Vào đầu thế kỷ 18, Nhà nước Cô-oét được gọi là 'Qurain' (hoặc là Grane). Từ Qurain này có nguổn gốc từ các từ Ả Rập là 'Qarn' có nghĩa la ngọn đồi cao và từ 'Kout' nghĩa là pháo đài. Một số sử gia tin rằng Barrak, Tộc trưởng của Bộ tộc Bani Khalid là người dựng nước Cô-oét.  

Cô-oét  nằm ở góc trên phía tây bắc của Vịnh Ả Rập và có diện tích 17.818 km2. Phía tây và phía bắc Cô-oét tiếp giáp với Iraq, phía đông tiếp giáp với Vịnh Ả Rập, và phía nam tiếp giáp với Ả Rập Xê-út.

Xét về mặt địa hình thì phần lớn Cô-oét là sa mạc bằng phẳng. Vùng cao duy nhất là dãy Mullta bao bọc bờ biền phía bắc Vịnh Cô-oét và rặng Ahmadi chạy dài giữa giếng dầu Burgan và biển.

Cô-oét và Ả Rập Xê-út đồng sở hữu một vùng lãnh thổ có diện tích 5.675 km2 cho đến năm 1969, khi hai bên đạt được thỏa thuận phân chia đường biên giới: mỗi bên quản lý một nửa vùng lãnh thổ, được gọi là Vùng Phân chia. Tuy nhiên, cũng như trước khi phân chia vùng lãnh thổ này, hai bên vẫn chia đều thu nhập từ dầu được khai thác trên toàn vùng.

Thủ đô Cô-oét là một thành phố sa mạc nằm trên bờ biển phiá nam Vịnh Cô-oét. Do hầu hết người dân đều sống tại thủ đô hoặc cáckhu vực lân cận nên Cô-oét là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới.

Vào đầu thế kỷ 18, Banu ‘Utub, một nhóm gia đình thuộc bộ tộc ‘Anizah sinh sống ở vùng sâu trên Bán đảo Ả Rập, đã di cư đến khu vực ngày nay là Cô-oét. Vương quốc Cô-oét tự trị được thành lập vào năm 1756 khi những người định cư quyết định chọn một người lãnh đạo từ dòng tộc Sabah. Trong suốt thế kỷ 19, Cô-oét phát triển thành một cộng đồng thương mại độc lập và thịnh vượng. Đến cuối thể kỷ 19, Quốc vương ‘Abdallah II (triều đại 1866-1892) bắt đầu di dời Cô-oét đến gần Đế quốc Otoman nhưng chưa bao giờ chịu sự cai trị của đế quốc này. Tuy nhiên, khi Mubarak the Great ám sát anh trai Abdallah, một hành động bao lực chính trị chưa từng có ở Cô-oét,để chiếm ngôi thì tình hình hoàn toàn đảo ngược. Mubarak tạo quan hệ thân thiết với Anh nhằm giữ khoảng cách an toàn với các cường quốc châu Âu và Ottoman. Một Hiệp ước được ký vào năm 1899 cho phép Anh quyền kiểm soát mảng đối ngoại của Cô-oét. Sau khi thế chiến I bùng nổ, Cô-oét được đặt dưới sự bảo hộ của Anh.

Tại Hội nghị Al Uqayr được tổ chức vào năm 1922, Anh tiến hành đàm phán về biên giới Cô-oét-Ả Rập Xê-út. Kết quả là Cô-oét mất một phần lãnh thổ đáng kể sau cuộc đàm phán này. Biên bản ghi nhớ được ký năm 1923 theo tinh thần của Công ước 1913 phân định biên giới với Iraq.

Lần đầu tiên, Iraq tuyên bố chủ quyền đối với Cô-oét là vào năm 1938 khi dầu được phát hiện tại vương quốc này. Mặc dù Iraq lẫn Ottoman chưa bao giờ thật sự cai trị Cô-oét nhưng Iraq đã từng khẳng định chủ quyền trên danh nghĩa. Cũng vào năm đó, Iraq hô hào ủng hộ cuộc nổi dậy của các thương gia chống lại Quốc vương Cô-oét. Sau khi cuộc nổi dậy này (còn gọi là Phong trào Majlis) thất bại, Iraq lại tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên một phần lãnh thổ Cô-oét, đặc biệt là các hòn đảo có vị trí chiến lược như Bubiyan và Al Warbah.  

Vào ngày 19 tháng 6 năm 1961, Anh công nhận quyền độc lập của Cô-oét. Tuy nhiên, 6 ngày sau, Iraq lại tuyên bố chủ quyền đối với Cô-oét. Anh và sau đó là Liên đoàn Ả Rập không công nhận lời tuyên bố này. Mãi đến năm 1963, chính quyền Iraq mới chính thức công nhận quyền độc lập và biên giới của Cô-oét mặc dù Iraq vẫn tiếp tục đòi được tiếp cận các hòn đảo của Cô-oét.   

Chiến tranh Iran-Iraq năm 1980-1990 thật sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Cô-oét. Do không còn lựa chọn nào khác nên Cô-oét đành phải hỗ trợ tài chính cho Iraq và trở thành điểm trung chuyển các trang thiết bị quân sự. Iran tấn công khu liên hiệp nhà máy lọc dầu của Cô-oét vào năm 1981 và kích động các hành động phá hoại Cô-oét vào năm 1983 và 1986. Vào tháng 9 năm 1986, Iran bắt đầu tập trung tấn công vào các tàu hàng lưu thông trên vùng vịnh, mà chủ yếu là các tàu chở dầu của Cô-oét. Vì vậy, Cô-oét đã nhờ Liên Xô (là nước mà Cô-oét đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1963) và Hoa Kỳ bảo vệ các tàu chở dầu của Cô-oét.

Nhờ chiến tranh mà Cô-oét đã có được mối quan hệ gần gũi hơn với các nước Ả Rập láng giềng ở vùng vịnh vốn rất bảo thủ là Ả Rập Xê-út, Ba-ranh, Các-ta, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Oman. Cô-oét và các nước này đã thành lập Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) vào năm 1981 nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc vào năm 1990, quan hệ giữa Iraq và Cô-oét bắt đầu xấu đi. Vào ngày 2 tháng 8 năm 1990, Iraq bất ngờ xâm lược và chinh phục Cô-oét. Mặc dù Iraq đưa ra một số lý lẽ để biện hộ cho hành động xâm lược của mình nhưng các nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc xâm lược này cũng tương tự như ở chế độ trước đây của Iraq: Mong muốn kiểm soát dầu và tài sản của Cô-oét; lợi thế quân sự khi Iraq có được cửa ngõ rộng lớn hơn trên vùng Vịnh Ả Rập; sự ham muốn thành lập Chủ nghĩa Liên minh Ả Rập (Pan Arabism) - Iraq cho rằng việc chiếm hữu Cô-oét là bước đầu tiên tiến đến thành lập liên minh các nước Ả Rập dưới sự lãnh đạo của Iraq; nếu thành công, cuộc phiêu lưu này sẽ đem lại uy tín cho chính quyền Iraq tại Baghdad; và cảm nghĩ của phần lớn người Iraq (mặc dù không chính xác xét về mặt lịch sử) rằng Cô-oét chính là một phần lãnh thổ của Iraq. Vào ngày 8 tháng 8, Iraq tuyên bố sáp nhập Cô-oét bất chấp các lời chỉ trích của Liên Hiệp quốc, các cường quốc trên thế giới, Liên đoàn Ả Rập và Cộng đồng châu Âu.

Vào ngày 16 và 17 tháng 1 năm 1991, một liên minh các quốc gia do Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út dẫn đầu, hành động dưới quyền của Liên Hiệp quốc bắt đầu không kích lực lượng quân sự Iraq. Trước khi cuộc chiến trên bộ bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, quân đội Iraq đã đốt hàng trăm giếng dầu của Cô-oét, gây ra một thảm họa sinh thái chưa từng có. Vào ngày 27 tháng 2, Cô-oét được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Iraq. Vào tháng 5, khi hàng trăm ngàn dân Cô-oét từ các trại tị nạn ở nước ngoài hồi hương, mức độ thiệt hại do cuộc xâm lược, cướp phá và chiến tranh gây ra ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Cuộc xâm lược và chiếm đóng này đã tác động đến mọi mặt trong đời sống người dân Cô-oét. Hơn phân nửa dân số đã trốn chạy trong chiến tranh. Mặc dù hầu hết kiều dân Cô-oét đều hồi hương vào năm 1991 nhưng nhiều người không phải là kiều dân Cô-oét, chủ yếu là người Palestine, lại không được phép hồi hương.        

Sự tồn tại của chính quyền Iraq tại Baghdad đã tạo ra một nỗi sợ hãi bao trùm lên người dân Cô-oét rằng các sự kiện xảy ra trong năm 1990-1991 có thể sẽ lặp lại vào một ngày nào đó.

Vào năm 1992, một ủy ban của Liên Hiệp quốc đã tiến hành phân định ranh giới Cô-oét-Iraq theo Nghị quyết Ngừng bắn 687 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (Nghị quyết này tái khẳng định tính bất khả xâm phạm biên giới Cô-oét-Iraq). Nói chung, quyết định của Ủy ban này có lợi cho Cô-oét vì đã di dời biên giới Iraq 0,035 dặm về phía bắc thuộc khu vực Safwwan và một phần phía bắc thuộc khu vực mỏ dầu Al-Rumaylah đang tranh chấp. Vì vậy, quyết định này không những cho Cô-oét thêm 6 giếng dầu mà còn một phần của căn cứ hải quân Umm Qasr của Iraq. Cô-oét chấp nhận việc phân định ranh giới này của Liên Hiệp quốc. Tuy nhiên, Iraq phản đối quyết định này và tiếp tục tuyên bố chủ quyền của mình đối với lãnh thổ Cô-oét.